“Lolita, ánh sáng của đời tôi, ngọn lửa hạ bộ tôi. Tội lỗi của tôi, tâm hồn của tôi. Lo-lee-ta: đầu lưỡi lướt xuống ba bước nhỏ dọc vòm miệng, đến bước thứ ba khẽ đập vào răng. Lo. Li. Ta.

Buổi sáng, em là Lo, ngắn gọn là Lo thôi, đứng thẳng cao một mét bốn mươi sáu, chân đi độc một chiếc tất. Mặc quần thụng trong nhà, em là Lola. Ở trường học, em là Dolly. Trên dòng kẻ chấm, em là Dolores. Nhưng trong vòng tay tôi, bao giờ em cũng là Lolita.”

Lolita – một trong những cuốn sách kinh điển được chắp bút bởi nhà văn Vladimir Nabokov, viết về tình cảm ngang trái, mãnh liệt, rỉ máu mà Humbert dành cho cô bé 12 tuổi Dolores Haze.

Hơn 60 năm kể từ khi ra mắt cho đến nay, Lolita vẫn luôn là đề tài nóng hổi gây nhiều tranh cãi, mặc dù vậy, không thể phủ nhận rằng tác phẩm đã miêu tả chân thực mà tinh tế thứ “gọi là tình yêu” trong bóng tối, những xúc cảm cuồng loạn, lối suy nghĩ bệnh hoạn cùng những ham muốn tột độ của nhân vật “tôi”.

***

Tóm tắt cuốn sách

Câu chuyện được kể dưới góc nhìn của Humbert Humbert – biệt danh kỳ dị do chính ông ta đặt, theo lời nói đầu của cuốn sách. Humbert là một học giả, nhà thẩm mỹ, một giáo sư văn chương với vẻ ngoài cuốn hút đậm chất Châu Âu. Từng có mối tình sâu đậm thuở thiếu thời với Annabel – tiền thân, khởi thủy của thiên thần Lolita ám ảnh cả cuộc đời Humbert, sau cái chết đau đớn của người thương, Humbert lớn lên cùng mảnh tâm hồn sứt sẹo và nỗi khao khát cuồng si “tiểu nữ thần” – những bé gái tuổi vị thành niên với các đặc điểm riêng biệt khó trộn lẫn. Vài năm sau cuộc hôn nhân qua quýt và kết thúc bằng cặp sừng to tướng, quý ông Humbert được mời đến giảng dạy tại một trường Đại học ở New England.

Tại đây Humbert buộc phải kết hôn với bà chủ trọ Charlotte Haze để được gần gũi với cô con gái 12 tuổi của bà. Hằng ngày ông đều tỉ mỉ ghi chép lại những cảm xúc dạt dào đầy tội lỗi đối với đứa con riêng của vợ, thậm chí ông ta còn mưu toan giết vợ để độc chiếm Lolita cho riêng mình. Một hôm, Charlotte lục lọi chiếc ngăn kéo bí mật để rồi phát hiện ra sự thật khủng khiếp về người chồng mà bà hằng ngưỡng mộ. Trong trạng thái đầy đau khổ và rối loạn, bà bị xe tải cán chết khi băng qua đường tới hòm gửi thư.

Hình ảnh Lolita và Humbert trong bộ phim chuyển thể năm 1997

Sự thể vô tình lại đúng ý gã chồng quỷ ám, sau khi an táng vợ, Humbert nhanh chóng lên đường đến trại hè đón Lolita. Gã cùng nàng xuyên dọc nước Mỹ trên con xe của người vợ quá cố mà các điểm dừng chân của hành trình là vô số cuộc truy hoan nơi những motel dọc đường. Uổng thay, Lolita cuối cùng bỏ trốn cùng một gã tên Clare Quilty khiến Humbert như hóa điên dại, gã truy tìm cô bé khắp nơi nhưng hoàn toàn mất dấu. Cho đến vài năm sau, nhận được bức thư Lolita gửi, kể rằng nàng đã kết hôn với một người đàn ông trẻ tuổi, đang mang bầu và vật lộn với sự thiếu thốn. Humbert ngay lập tức tìm đến Lolita, ngỏ ý đưa nàng đi cùng hắn dẫu cho nàng lúc này 17 tuổi, tiều tụy, xuống sắc và mang trong mình đứa con của kẻ khác. Nhưng Lolita đời nào lại để rơi vào địa ngục trần gian thêm một lần nữa, nàng muốn sống cuộc sống bình dị, có một hạnh phúc giản đơn dù nghèo khó.

Hoàn toàn sụp đổ, Humbert đưa cho Lolita toàn bộ số tiền tiết kiệm và tìm giết Clare Quilty, kẻ đã cướp người yêu dấu khỏi tay hắn rồi bỏ rơi khiến trái tim nàng tan vỡ. Kết chuyện, Humbert vào tù và viết lại hành trình bi kịch trước khi ra đi vì chứng nghẽn động mạch vành. Ba năm sau, tập hồi ức mang tên “Lolita” được xuất bản, khi các nhân vật chính đều không còn nữa.

***

Tín ngưỡng tình yêu mang tên Lolita

Đối với Humbert, Lolita là một tín ngưỡng tình yêu mà ông dốc sức theo đuổi cả cuộc đời. Ngay từ khoảnh khắc bắt gặp cô bé nơi vườn nhà Charlotte Haze, “quỳ trên chiếu trong vũng nắng, gần như khỏa thân, xoay mình trên hai đầu gối, người yêu dấu ở Riviera đang dõi mắt nhìn tôi trên cặp kính râm” (Lolita, phần một, chương 10). Hình ảnh ấy tỏa ra thứ ánh sáng chói lòa như một lóe chớp xẹt qua tâm trí gã trung niên đạo mạo, khiến gã run lên từng đợt, chấn động và say mê.

Hình ảnh Lolita trong bộ phim chuyển thể năm 1962

Humbert si mê Lolita, một tình yêu chiếm trọn tâm trí, tình yêu với dục vọng và cả sự tôn thờ tuyệt đối.

“Lolita, ánh sáng của đời tôi, ngọn lửa hạ bộ tôi. Tội lỗi của tôi, tâm hồn của tôi. Lo-lee-ta: đầu lưỡi lướt xuống ba bước nhỏ dọc vòm miệng, đến bước thứ ba khẽ đập vào răng. Lo. Li. Ta.” (Phần một, chương 1)

Tình yêu của Humbert cũng có đầy đủ các cung bậc của một tình yêu tột đỉnh. Có hạnh phúc, có ngờ vực, có ghen tuông, có giận dữ.

“Bất chấp những cuộc cãi cọ của chúng tôi, bất chấp thói quàu quạu của em, bất chấp mọi la lối và nhăn nhó của em, và sự phàm tục, và mối hiểm nguy cùng nỗi vô vọng kinh khủng trong tất cả những chuyện đó, tôi vẫn cố thủ trong thiên đường với bầu trời màu lửa địa ngục – nhưng vẫn là một thiên đường.” (Phần hai, chương 3)

“Lo ngước mắt lên với một nụ cười nửa miệng ngỡ ngàng và chẳng nói chẳng rằng, tôi bạt một cái tát tai trời giáng trúng cái chòm nhỏ, cứng và nóng của gò má em.

Và tiếp đến là hối hận, là nức nở chuộc tội êm dịu đến thắt lòng, là lạy lục yêu đương, là làm lành trong mê cuồng xác thịt đến tuyệt vọng. Trong màn đêm nhung ở motel Mirana (Mirana!), tôi hôn lòng bàn chân hoe hoe vàng với những ngón dài của em, tôi tự thiêu mình…Nhưng tất cả đều vô ích. Số phận cả hai chúng tôi đã ấn định rồi.” (Phần hai, chương 19)

Liệu rằng chúng ta đang được đọc về một câu chuyện tình yêu diễm lệ hay ẩn sau đó là sự nhơ nhuốc, bẩn thỉu của một gã đàn ông trung niên hủy hoại cuộc đời của bé gái 12 tuổi?

***

“Lolita” hay “Lời xưng tội của một gã đàn ông da trắng góa vợ”

Cùng với lời mở đầu của cuốn sách, tập bản thảo kỳ lạ được gửi đến tiến sĩ John Ray, Jr.

“Lolita” hay “Lời xưng tội của một gã đàn ông da trắng góa vợ”

Có bao nhiêu kẻ thành thật khi tự bào chữa cho mình, tự lên tiếng về hành vi bắt cóc, hiếp dâm và cuối cùng là giết người?

Người đọc dễ dàng bị dẫn dắt bởi những ngôn từ hoa mỹ, lối viết lãng mạn, cách nói ẩn dụ, chơi chữ của một vị giáo sư văn học tài tình mà quên mất phần mở đầu của cuốn sách:

“Rõ ràng, ông ta thật gớm ghiếc, ông ta thật bỉ ổi, ông ta là một ví dụ nổi bật về chứng phong hủi đạo đức, một hỗn hợp của tàn bạo và đùa cợt …”

Nabokov đã mượn lời John Ray, Jr. để phác họa chân dung sơ lược về Humbert – gã đàn ông đang lên tiếng xưng tội, kẻ gớm ghiếc bỉ ổi, phong hủi đạo đức, gã văng mạ con người và cảnh vật xung quanh, gã xảo trá quỷ quyệt. Một người như vậy liệu có đáng tin?

Lời kể từ ngôi thứ nhất thường chứa đựng cái nhìn một chiều từ phía nhân vật, chưa khi nào chúng ta được nghe tường thuật từ góc nhìn của Dolores Haze.

Humbert đã viết nên một bản xưng tội lâm li bi đát, cuốn người đọc vào những mỹ từ, những mô tả dài dòng gây xao nhãng, những lời lẽ khéo léo khơi gợi mối thương cảm đối với kẻ tội đồ.

Ta thấy một Humbert xảo trá lọc lừa sau cái chết của vợ:

“Nhờ một chớp lóe cảm hứng tuyệt vời, tôi cho vợ chồng Farlow tốt bụng và cả tin (chúng tôi đang đợi Lesie đến thực thi cuộc hẹn hò huê tình có thù lao của gã với Louis) xem một tấm hình nhỏ của Charlotte tôi tìm thấy trong tư trang của nàng. Từ trên một mỏm đá, nàng mỉm cười qua làn tóc gió thổi tung. Ảnh được chụp vào tháng tư năm 1934, một mùa xuân đáng ghi nhớ. Trong một chuyến đi công chuyện ở Mỹ, tôi đã có dịp qua mấy tháng ở Pisky. Chúng tôi gặp nhau – và đã trải qua một cuộc tình điên dại. Tôi đã có vợ, than ôi, và nàng đã đính hôn với Haze” (Phần một, chương 23).

Phải chăng là để gieo rắc vào đầu những người xóm giềng tốt bụng, rằng Lolita chính là con gái gã chứ không phải của ông Haze quá cố? Để gã sắm vai người cha thất lạc lâu năm, điềm nhiên cuỗm lấy Lolita mà chẳng sợ ai dị nghị, dòm ngó?

***

Lolita – tiểu nữ thần sắm vai phản diện

Humbert vẽ nên chân dung Lolita từ câu chuyện quá khứ của chính gã, biến nỗi ám ảnh về cái chết của người yêu thời niên thiếu – Annabel thành lý do khiến gã luôn kiếm tìm hình bóng nàng nơi các bé gái tuổi vị thành niên, cho đến khi gặp Lolita – “tiểu nữ thần” xóa nhòa nguyên mẫu.

“Nhưng tôi tin chắc rằng, theo một cách nhuốm màu pháp thuật và định mệnh nào đó, Lolita bắt đầu từ Annabel.” (Phần một, chương 4)

“…, và tôi đối chiếu chúng với những nét của cô dâu đã qua đời của tôi. Ít lâu sau, lẽ dĩ nhiên, em, bé gái nouvelle (mới) này, Lolita này, Lolita của tôi, sẽ che lấp hoàn toàn nguyên mẫu của em.” (Phần một, chương 10)

Không chỉ tước đi mọi thứ thuộc về Doroles Haze, Humbert còn biến hình tượng “nữ thần” trở nên méo mó bởi lời vu khống, biến cô trở thành đứa con gái lẳng lơ, hủ hóa, dám thử hết những trò đồi bại để rồi khiến gã rơi vào sa ngã.

“…, và đến sáu giờ mười lăm, xét về mặt kỹ thuật, chúng tôi đã trở thành tình nhân. Tôi sẽ nói với các quý bà một điều rất kỳ lạ: chính em là người đã quyến rũ tôi.” (Phần một, chương 29)

“Tuy nhiên, tôi sẽ không làm rác tai các độc giả thông thái của tôi bằng việc thuật lại chi tiết sự táo tợn của Lolita. Chỉ cần nói rằng tôi không thấy chút dấu vết e thẹn nào ở cô gái trẻ đẹp thân thể chưa trọn “phom”…” (Phần một, chương 29)

“Tôi có ngắt đi phong nhụy của em không? Thưa các quý bà nhạy cảm trong đoàn bồi thẩm, thậm chí tôi còn không phải là người tình đầu tiên của em”. (Phần một, chương 31)

Ba trích dẫn trên đều nói về lần quan hệ đầu tiên giữa Humbert và Lolita, gã viện ra đủ thứ luật lệ, vận dụng mọi ngôn từ để dẫn chứng và biện minh, nhưng cũng trong quãng ấy, phần một, chương 30 có nhắc đến hình ảnh ẩn dụ:

“Sẽ có một viên đá ô-pan rực lửa tan ra trong một ao nước lăn tăn, một cú co giật cuối, một vệt màu cuối cùng, sắc đỏ nhói buốt, sắc hồng đau đớn, một thở dài, một bé gái nhăn nhó.”

Hay rõ ràng hơn, ở phần một, chương 32: “…em bắt đầu kêu đau, nói em không ngồi được, nói tôi đã làm rách cái gì đó bên trong em.”

Doroles Haze vẫn chỉ là một “bé gái”!

Dường như sau khi bị cha dượng xâm hại một cách khó chịu, cô bé cảm thấy khổ sở, muốn được gọi điện cho mẹ và rồi nhận được tin mẹ em chết rồi. Chưa hết nỗi đau thể xác, em lại phải gánh chịu thêm cú sốc tinh thần, dễ hiểu vì sao “đến nửa đêm, em thổn thức sang phòng tôi và chúng tôi làm lành với nhau rất dịu dàng” (Phần một, chương 33). Và Humbert nói: “Quý vị thấy đó, em tuyệt đối không có nơi nào khác để đi” một cách đầy thỏa mãn.

***

Bộ mặt thật của gã quỷ ám hổn hển

Ở phần hai, ta sẽ thấy rõ bộ mặt quỷ quyệt của Humbert Humbert, gã đe dọa sẽ đưa Dolores vào trung tâm cải huấn vị thành niên mỗi khi cô bé tỏ ra bất hợp tác. Nhồi vào đầu Lo những điều tồi tệ có thể xảy ra nếu chẳng may mọi chuyện bại lộ, Humbert đi tù, còn em thì trở thành đối tượng giám hộ của Phòng cứu tế xã hội, chấm dứt những ngày rong chơi, hoàn toàn mất tự do.

“…tôi phải mất hàng tiếng đồng hồ dỗ dành dọa dẫm và hứa hẹn mới khiến em cho mượn mấy giây đôi tay đôi chân rám nắng vào cái phòng biệt lập năm đô la, trước khi làm bất cứ cái gì em coi là đáng giá hơn niềm vui sướng tội nghiệp của tôi.” (Phần hai, chương 1)

“Tôi điệu cục cưng bất kham của mình về tổ ấm be bé của chúng tôi để giao nối nhanh một quắn trước bữa tối.” (Phần hai, chương 2)

“Thú vị biết bao cái chiêu mang cà phê đến tận giường, rồi tạm ách lại tới khi em hoàn thành bổn phận buổi sáng mới cho uống.” (Phần hai, chương 2)

Bằng những lời lẽ dọa nạt, những chiêu trò rẻ mạt, Humbert đã biến Dolores trở thành nô lệ tình dục, bóc lột em đến mức kinh tởm: “…em hỏi tôi muốn chúng tôi tiếp tục sống trong những căn phòng ngột ngạt, cùng nhau làm những trò bẩn thỉu và chẳng bao giờ cư xử như người bình thường bao lâu nữa?” (Phần hai, chương 2)

Và rồi Dolores phản kháng, em ra điều kiện với Humbert để đổi lấy những khoản tiền nho nhỏ, để được tham gia tập kịch và lên kế hoạch bỏ trốn cùng “nghệ sỹ” Clare Quilty – người duy nhất khiến Lo yêu điên cuồng – kẻ mà Humbert hận thấu xương tủy.

Chương cuối, Humbert tìm giết Clare Quilty, gã đàn ông đã bỏ rơi Lolita, khiến trái tim Lo tan nát.

Trong bản gốc Tiếng Anh, ở phần hai, chương 29, Lolita nói với Humbert: “He broke my heart. You merely broke my life.” (“Ảnh làm tan nát trái tim em. Ba chỉ làm tan nát đời em thôi”)

Humbert đã hủy hoại Dolores, xóa nhòa Dolores, chỉ còn lại Lolita hiện hữu trên trang giấy.

“H. cần được tồn tại thêm ít nhất vài tháng để làm cho em sống mãi trong tâm trí những thế hệ mai sau” (Chương cuối)