Tớ mua cuốn “Lối sống tối giản của người Nhật” (Sasaki Fumio) cách đây hai năm, thời điểm mà tớ điên cuồng mua sắm tất cả những vật dụng “được cho là cần thiết”. Tuy nhiên, vì quá lười và bận mua sắm nốt nên tớ đọc được mấy trang thì bỏ dở và quên luôn. Cho đến giai đoạn giãn cách vì Covid lần này, hoàn cảnh bắt buộc phải đơn giản hoá mọi thứ, không thể dễ dàng đặt đồ trên mạng, nhiều đơn hàng bị hủy khiến tớ đâm chán, không thiết mua sắm gì nữa. Mất đi nguồn giải trí chính nên tớ quay trở lại thói quen đọc sách đã mai một khá lâu, và rồi một lần nữa va phải cuốn sách này, định mệnh thật rồi. Đọc một lèo trong một buổi chiều, viết review để nhớ thêm lâu và thế là bài viết này ra đời, tớ sẽ điểm nhanh về nội dung cuốn sách nhé!

Các chương trong cuốn sách bao gồm:

Cấu trúc cuốn sách

Lời mở đầu

Chương 1: Tại sao lại có những người sống tối giản?

Chương 2: Tại sao đồ đạc lại chất nhiều đến vậy?

Chương 3: 55 quy tắc vứt bỏ

Chương 4: Vứt bớt đồ đạc, 12 điều thay đổi trong tôi

Chương 5: Không phải trở nên hạnh phúc mà là cảm nhận hạnh phúc

Lời kết – Lời cảm ơn chân thành

Trước hết, định nghĩ về lối sống tối giản, theo tác giả, lối sống tối giản là cách sống cắt giảm vật dụng xuống còn mức tối thiểu. Người sống tối giản là người:

  • Thực sự hiểu rõ cái gì cần thiết với mình
  • Biết giảm bớt đồ đạc vì những thứ thực sự quan trọng

Lợi ích mà lối sống tối giản mang lại:

  • Tiết kiệm thời gian, công sức tiền bạc
  • Tận hưởng cuộc sống
  • Cảm giác tự do, được giải phóng bản thân
  • Ngừng so sánh bản thân, không còn sợ cái nhìn của người khác
  • Rèn thói quen hành động
  • Nâng cao sức tập trung, thấu hiểu bản thân
  • Sống lành mạnh hơn

55 quy tắc vứt bỏ

15 quy tắc bổ sung giúp giảm bớt đồ đạc nhiều hơn nữa

Nhìn chung những điều tác giả đề cập khá hợp lý và đúng đắn, giúp tớ nhìn nhận lại quá trình mua sắm va sở thích “thích đủ thứ” của mình. Tất cả chúng ta đều sở hữu những thứ mà chúng ta từng mong muốn thật nhiều, tuy nhiên khi có được rồi thì từ quen thuộc đến chán nản diễn ra nhanh thôi, rồi chúng ta lại lao vào tìm kiếm kích thích mới từ những món đồ mới trong wish-list. Có nhiều thứ chúng ta sở hữu chỉ để thể hiện giá trị của bản thân trong mắt mọi người, khi việc này trở nên “quá đà”, nhiều đồ vật không còn được sử dụng đúng chức năng, không còn là công cụ mà trở thành mục đích, chúng tăng lên ngày càng nhiều và chiếm dụng thời gian, lấy đi năng lượng của chúng ta.

Bên cạnh đó còn một số điểm mà tớ thấy không phù hợp với bản thân lắm, chẳng hạn:

  • Quy tắc 8 (Sau khi vứt, chẳng có món đồ gì khiến bạn hối tiếc cả đâu) và quy tắc 52 (Những món đồ thực sự cần thiết rồi sẽ quay trở về với bạn) có vẻ hơi mâu thuẫn với nhau.

Thừa nhận là hầu hết những món đồ vứt đi là những món không cần thiết, nhưng thi thoảng tớ cũng cảm thấy nuối tiếc vô vàn đối với những thứ mình từng sở hữu nhưng vì ham muốn vứt bỏ nhanh chóng khiến tớ đem cho, tặng, thanh lý một cách mù quáng, để rồi một thời gian sau điên cuồng kiếm lại và cái giá phải trả có khi đắt hơn nhiều thời điểm trước đó. Bộ sưu tập charm Disney đã ngưng sản xuất của Pandora là một ví dụ, đối với ai đó thì nó không quan trọng nhưng đối với bánh bèo đam mê cổ tích như tớ thì việc không còn được nhìn thấy những viên glass phát sáng, những chiếc đầm công chúa bước ra từ những câu chuyện thuở nhỏ chính là một cực hình. Và tớ đã lùng mua lại, săn order ở store các nước, thậm chí store hết thì phải mua pass lại với giá gấp đôi cũng hạnh phúc lắm rồi.

Nếu quy tắc 8 là đúng, sẽ không gì bị vứt bỏ khiến mình hối tiếc vậy thì tại sao lại có quy tắc 52, khi vứt đi rồi nhưng món cần thiết lại quay lại nhỉ? Nhiều khi “có không giữ, mất đừng tìm” thì sao?

  • Quy tắc 21 và quy tắc 35:

Tác giả cho rằng điều quan trọng là nó có quan trọng với mình “ngay lúc này” hay không. Những quyển sách giáo khoa thời học sinh, những cuốn sách giúp ta trưởng thành hơn khi còn tấm bé, những sở thích một thời hay những món quà kỉ niệm của người yêu… Nếu cứ mãi chìm trong quá khứ, thì bạn chẳng bao giờ nhận ra được “hiện tại” của bản thân.

Nếu bạn nhận được món quà không cần thiết từ ai đó, nếu bạn vẫn còn đang nhìn nó và thở dài, tốt nhất bạn nên vứt nó đi. Đó cũng chính là cách bạn tôn trọng người tặng. Giả sử có ai đó giận bạn vì đã vứt bỏ món quà anh ta tặng trước đây thì bạn nên giữ khoảng cách với người đó.

Đúng là những vật kỉ niệm đôi khi hơi phiền bởi chúng ta phải dành một chỗ để cất chúng, giữ cho chúng khỏi bị hư hại, mối mọt nhưng đó cũng là một cách để trân trọng kỉ niệm. Có thể mỗi người có cách lưu giữ kỉ niệm khác nhau nhưng nếu vật kỉ niệm liên quan đến người quan trọng với chúng ta ở thời điểm hiện tại, tưởng tượng bạn sẽ thất vọng cỡ nào nếu như món quà mình dành tâm huyết sửa soạn lại bị người ta ném vào sọt rác, thậm chí xa lánh mình vì mình lỡ biết chuyện và giận dỗi chứ? Đương nhiên, nếu bạn không thấy vấn đề gì và bạn/người yêu/người thân của bạn cũng không bận tâm về điều đó thì bạn có thể thoải mái vứt nó cũng không sao, dù gì đó cũng là quan điểm cá nhân của bạn, cách nói của tác giả có phần áp đặt và đánh giá đối với những người có quan điểm khác.

  • Quy tắc bổ sung 2: Đồng phục hóa quần áo hàng ngày

Đối với nam giới, việc mỗi ngày đều mặc quần âu, áo sơ mi, hay tủ đồ toàn màu đen, màu trắng gì đó có lẽ không sao nhưng với tớ thì khác, đặc quyền của phụ nữ là được điệu đà mà, bắt ép bản thân tối giản hết mức bằng cách mua toàn đồ một màu thì khổ sở lắm. Tớ thích màu trắng nên thường ưu tiên chọn những chiếc váy, áo màu trắng nhưng cũng có khi tớ thích đổi gió với màu xanh, màu hồng, màu bạc gì đó thì có sao nào, miễn là không mua quá nhiều và đừng giữ lại những bộ đồ đã lâu không mặc là được. Nghĩ đơn giản cho đời thanh thản!

Tóm lại, cuốn sách này khá hữu ích nếu như bạn muốn tìm hiểu về lối sống tối giản, về các cách cắt giảm và thanh lọc đồ đạc nhưng có thể có những quan điểm không phù hợp với bạn. Lối sống tối giản được ưa chuộng ở Nhật Bản, phong cách sống, nhà ở và điều kiện thiên nhiên của họ khác với chúng ta vậy nên không thể áp đặt hoàn toàn vào cuộc sống của chúng ta được. Chỉ cần bạn điều chỉnh sao cho phù hợp nhất với bản thân là được. Tối giản đồ đạc là tốt, tối giản suy nghĩ còn tốt hơn nhiều phải không nào?