Trong thế giới của người bình thường, cá nhân mang suy nghĩ khác thường, không tuân theo logic khách quan là kẻ điên. Thế nhưng, mọi ranh rới về sự thật mà nhân loại gọi là khách quan có chắc chắn trường tồn?

Liệu kẻ điên có thực sự “điên”, người bình thường có thực sự “bình thường”? Chẳng phải mọi danh xưng chỉ là do một nhóm người đạt được nhận thức chung cùng đặt ra hay sao?

Galileo Galilei đã từng bị đưa ra xét xử chỉ vì tuyên bố rằng Trái Đất quay quanh Mặt Trời. Nghiên cứu về bóng đèn của Thomas Edison từng bị chê bai thậm tệ trước khi đèn điện trở thành thứ không thể thiếu trong cuộc sống con người. Hay Newton, Einstein cùng những thiên tài lỗi lạc khác đã từng bị xem là “điên rồ” trước khi được công nhận các phát minh làm thay đổi cả thế giới?

Có lẽ, ranh giới duy nhất giữa kẻ điên và thiên tài vốn dĩ là sợi chỉ mỏng manh: Thiên tài chứng minh được thế giới của mình, còn kẻ điên chưa kịp làm điều đó.

“Tư duy thật sự là một bức tường ngăn hạn chế chúng ta? Thế giới rốt cuộc lớn cỡ nào? – Ở bên kia bức tường.”

Chọn khác thường để được thỏa sức vẫy vùng hay khóa hết lại và sống mãi cuộc đời bình thường gò bó?

“Muốn nhìn thấy thế giới thực, cần dùng con mắt của trời nhìn trời, dùng con mắt của mây nhìn mây, dùng con mắt của gió nhìn gió, dùng con mắt của cỏ cây hoa lá để nhìn cỏ cây hoa lá, dùng con mắt của đá để nhìn đá, dùng con mắt của biển để nhìn biển, dùng con mắt của động vật để nhìn động vật, dùng con mắt của người để nhìn người.”

Muốn hiểu được người điên, hãy nhìn vạn vật dưới con mắt của người điên.

Cuốn sách “Thiên tài bên trái, kẻ điên bên phải” ra đời, là tập hợp những cuộc nói chuyện giữa tác giả Cao Minh và các bệnh nhân tâm thần để khám phá những góc nhìn mới lạ của họ. Mặc dù là người đi phỏng vấn nhưng đôi khi tác giả lại bị chính những bệnh nhân này dẫn dắt, cuốn theo câu chuyện của họ. Sau nhiều lần như vậy, ông nhận thấy “rất nhiều bệnh nhân tâm thần có đủ khả năng nhanh chóng tìm ra một cách giải thích. Không cần biết là quỷ, hồ, tiên, vật lý hay sinh học, họ đều rất kiên định xác nhận”, còn ông thì càng trở nên mơ hồ, khó xác định, phải chăng bản thân mới là người có vấn đề?

Cuốn sách này dành cho những người thích chiêm nghiệm, thích nhìn thế giới dưới lăng kính độc đáo, mới lạ, những ai mang tư duy rộng mở, không ngại đón nhận những quan điểm được cho là “điên rồ, lập dị”. Dù là thiên tài hay kẻ điên, điều chúng ta không thể phủ nhận đó là sự tồn tại của họ, những người dám đập tan những điều rập khuôn, nguyên tắc, dám khác biệt để tạo ra sự thay đổi mặc cho cả thế giới quay lưng.